Trong thế giới phẳng ngày nay, chúng ta có nhiều cơ hội để thể hiện quan điểm cá nhân hơn.Trên các diễn đàn hay mạng xã hội Facebook, ai cũng bình đẳng như nhau để chia sẻ và được chia sẻ về bất cứ đề tài nào họ quan tâm.
Thái độ, thói quen và kiến thức của mỗi cá nhân bộc lộ khá rõ khi bày tỏ ý kiến cá nhân. Cầu thị và bảo thủ. Điềm đạm và hiếu thắng. Hay và chưa hay. Phù hợp và chưa phù hợp.Tạm gọi đây là văn hoá tranh luận.
Để thực sự hiệu quả khi tranh luận (cho dù trên “chợ” Facebook hay một buổi workshop chính thống) cần tránh những “căn bệnh” sau.
Nâng quan điểm
“Xách ba lô lên và đi” ảnh hưởng xấu đến phong cách sống của giới trẻ – không phải cứ muốn tự do muốn viết gì thì viết. Cái gì cũng phải có gia phong nề nếp!
Giới trẻ mà theo Huyền Chíp thì bỏ học hết à? Tự do theo kiểu Phương Tây là đâu có được. Đâu còn là thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Đây chỉ là một vài ví dụ về “sự kiện” Huyền Chíp trong thời gian qua. Cha mẹ ơi, đọc mà nghe chóng cả mặt, toát hết cả mồ hôi. Cứ mỗi khi có “biến” nào đấy về một sự kiện gây tranh cãi, y như rằng có một luồng ý kiến (không ít) quy tất tần tật về những mỹ từ to tát như “thuần phong mỹ tục”, “giá trị đạo đức” hay “bản sắc dân tộc”.
Nhớ lại xem nào. Hồi Nick Vujicic sang Việt Nam, những ai cổ suý cho sự xuất hiện truyền đầy cảm hứng của anh đã nhận được sự dè bỉu là “đồ sính ngoại”. Hay nhạc sỹ Trần Tiến (trong vai trò giám khảo của “Bước nhảy hoàn vũ”) đã bị những người tự nhận là có “thuần phong mỹ tục” chê tơi bời chỉ vì một vài bình luận đôi chút phá cách của ông. Tôi nhớ hình như ông nhận xét vũ công có cơ thể sexy thì phải. Có gì quá đà đâu nhỉ? Khi xem giải trí nhưng hình như một số người chỉ thích nghe những gì thật mô phạm, chuẩn mực như sách giáo khoa thì phải.
Cuộc sống vốn đã phức tạp. Đâu cần phải cố tình phức tạo hoá thêm những điều đơn giản. Nhiều lúc chúng ta tự lấy dây buộc mình vì những giá trị tinh thần to tát mà chưa chắc chúng ta đã hiểu chúng là gì. Thay vì “mô phạm hoá” với những nhận xét ra vẻ “đạo đức”, chúng ta nên “xách ba lô lên và đi” như bạn Huyền chip chip gì đó. Không cần đi 25 nước (nói thật, chả mấy người đủ dũng cảm làm điều này đâu). Đi pinic ra ngoại ô, đi xem phim, đi uống bia … đi để hưởng thụ cuộc sống rất ngắn ngủi hơn là chết chìm trong một mớ lý luận và giá trị đạo đức không có thật.
Lan man
Nói dài, viết lê thê đã ngại đọc rồi. Nhưng vô bổ và mất thời gian nhất là những ý kiến lan man, bình luận chả liên quan gì đến chủ để đang tranh luận. Các ý kiến phân tích, phản biện đang nói về một bài viết có chủ đề ABC liên quan đến thương hiệu. có bạn nhảy vào “chém” rất dài và “máu” về vai trò của … tài chính so với marketing. Đang tranh luận liệu “Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi” thực tế có diễn ra tại nước phát triển như Việt Nam hay không, có bạn lại đăng đàn cho rằng tại nước Mỹ người ta không còn tin vào quảng cáo.
Không tính một số ít cố tình bình loạn sai topic để show-off bản thân một cách lộ liễu, nhiều người có thói quen lan man rông dài từ “cái lọ xọ cái chai” về bất cứ đề tài nào họ tham gia. Sau một hồi “chém” loạn xị mới nhận ra rằng chẳng thu nhận được gì bổ ích. Quy luật về sự tập trung hiển diện khắp nơi mọi chốn. Kể cả cái cách mà người ta hay gọi là “buôn chuyện”.
Chỉ trích cá nhân
Nhiều người thích chỉ trích người khác như một cách để thể hiện bản thân.
Tôi không quan tâm lắm (và cũng không có thời gian đọc) về cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”. Chỉ đôi lần nghía qua các ý kiến bình luận về tác giả của cuốn sách mới thấy thật ái ngại cho cô bé này. Chỉ là một cuốn hồi ký cá nhân, ghi lại những câu chuyện trải nghiệm cá nhân. Túm lại một chia sẻ rất cán nhân. Thay vì chỉ nên dừng lại phân tích góp ý về tính xác thực miêu tả trong cuốn sách, nhiều “người lớn” áp đặt luôn cho bạn trẻ này là “thiếu trung thực”, “muốn hơn người” hay “ngựa non háu đá”.
Phê bình, chỉ trích là cần thiết. Đối với những người hay viết, họ sẽ “lớn” hơn nhờ những ý kiến phản biện hơn là những lời ngợi khen. Mọi bình luận hay chỉ trích, dù rát mặt” đến đâu hay cho dù chưa chính xác, cũng đáng để lắng nghe.
Chúng ta cùng “chém” nào. Không có ý kiến nào đúng, chả có ý kiến nào sai. Tất cả những lời tán đồng thân thiện và phản biện gay gắt đều có giá trị như nhau. Miễn là không chỉ trích cá nhân, không lan man và không nâng quan điểm. Cần nhất là tính xây dựng và sự tôn trọng lẫn nhau.
Tham gia tranh luận như pha chế một ly cà phê. Đừng để nó đắng nghét hay nhạt thếch vì những tạp chất độc hại.
ĐứcSơn
Richard Moore Associates
Leave a Reply